Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục xem xét việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) như đã áp dụng của năm 2023.
Sáng 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.
Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Giá thịt lợn tăng, giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Ngay từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỉ đồng).
Tiếp đó, Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10.400 tỉ – 11.200 tỉ đồng). Giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 – 9.000 tỉ đồng)…
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
Theo đó, tiếp tục xem xét việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kiểm soát chỉ số giá 9 tháng rất tốt, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, còn rất nhiều dư địa.
Theo đó, cuối tháng 9, đầu tháng 10, tình hình giá xăng dầu, năng lượng có xu hướng tăng, giá cả lương thực… có tác động trực tiếp đến CPI. Nhờ thực hiện chính sách tài khóa mạnh, có các giải pháp giảm thuế, gia hạn thuế…, chúng ta đã kiểm soát được. Trong dư địa còn lại, cùng với những giải pháp điều hành phù hợp, sẽ tạo dư địa cho năm 2024.
VTV.VN