Nhiều dự án FDI mới có tổng vốn đầu tư hàng chục triệu USD đến Vĩnh Phúc, tập trung vào nhóm ngành công nghiệp, điện tử.
Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là với DDI (dự án đầu tư 100% vốn trong nước).
8 tháng năm nay, toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án DDI, trong đó có 14 dự án cấp mới, 7 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký 9.797 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với mục tiêu năm 2022 và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 8, các khu công nghiệp thu hút 426 dự án đầu tư, trong đó có 87 dự án DDI và 339 dự án FDI. Riêng thu hút vốn FDI đã đạt 87% kế hoạch năm với 15 dự án đầu tư mới và 24 dự án điều chỉnh tăng vốn, tập trung vào các nhóm ngành: sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, máy tính, may mặc, vật liệu xây dựng và chế biến các sản phẩm công nghiệp khác.
◊

Đặc biệt, trong số các dự án FDI mới, Vĩnh Phúc đã thu hút được 2 dự án có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD là dự án nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 58 triệu USD, chuyên gia công các sản phẩm bao bì chất lượng cao. Thêm vào đó, dự án sản xuất, kinh doanh ghế Sofa, đệm và trang trí nội thất của Nitori Việt Nam có tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI, Vĩnh Phúc đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, như hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh tại Đài Bắc tháng 4. Cuối tháng 6, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản”.
Đầu tháng 9, Công ty cổ phần Tập đoàn CNC Tech đã khởi công xây dựng tổ hợp công nghiệp công nghệ CNC Tech Global tại khu công nghiệp Bá Thiện 1 nhằm thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, cơ khí, điện tử, bán dẫn, thiết bị y tế, đào tạo lao động, nông nghiệp công nghệ cao vừa tạo ra giá trị kinh tế cao vừa thân thiện với môi trường.
◊
Dự kiến trong tháng 9, ban quản lý các khu công nghiệp sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 đến 5 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 3 đến 4 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 15 đến 20 triệu USD và 100 tỷ đồng.
Hiện ban quản lý các khu công nghiệp hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các khu công nghiệp như Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I – khu vực 2, Nam Bình Xuyên… đang được đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ cam kết.
Theo Phong Vân
(Link: vnexpress.net)