Central Retail đề xuất đầu tư các dự án siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với mong muốn tạo ra sự kết nối nông sản, sản phẩm địa phương; cung cấp các hàng hóa tiêu dùng chất lượng cho người dân địa phương.
Chiều ngày 1/11, đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng và các sở ban ngành liên quan nhằm báo cáo đề xuất các dự án đầu tư tại Quảng Bình.
Tại buổi làm việc, Central Retail Việt Nam đã trình bày đề xuất đầu tư các dự án siêu thị, cũng như mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình giới thiệu địa điểm phù hợp để doanh nghiệp này có thể triển khai dự án trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình.
Trong đó, dự án siêu thị lớn nhất (GO! Maill – Đại siêu thị) sẽ được triển khai tại TP. Đồng Hới với quy mô khoảng 2ha, tổng mức đầu tư dự kiến 300-400 tỷ đồng. Tại các huyện, thị xã, Central Retail Việt Nam sẽ đầu tư các dự án siêu thị với quy mô nhỏ hơn (minigo! – siêu thị mini), khoảng 5.000m2, tổng mức đầu tư khoảng 40-50 tỷ đồng.
◊
Đại diện Sở Xây dựng Quảng Bình đã giới thiệu, đề xuất 2 vị trí cho Tập đoàn Central Retail có thể đầu tư dự án siêu thị GO! Mall tại TP. Đồng Hới. Vị trí thứ nhất sát cạnh trụ sở UBND phường Phú Hải, và vị trí thứ hai tại khu vực quy hoạch trung tâm dịch vụ ô tô, cũng thuộc khu vực phường Phú Hải, TP. Đồng Hới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng hoan nghênh Tập đoàn Central Retail đã có mong muốn đầu tư vào tỉnh; đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát vị trí, thực hiện các thủ tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
◊
Trước đó, trong năm 2019, Central Retail đã bắt đầu thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tại Quảng Bình, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc khảo sát, nghiên cứu đã tạm dừng lại.
Trao đổi với Nhadautu.vn , đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, mục tiêu của việc triển khai thực hiện các dự án tại Quảng Bình nhằm cung cấp các sản phẩm hàng hoá chất lượng cho người tiêu dùng địa phương; tạo ra sự kết nối nông sản, sản phẩm địa phương với người tiêu dùng; tạo sự gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp; đồng thời mang tới nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.