Với lợi thế về vị trí địa lý và các quỹ đất quy hoạch quanh cảng, cụm cảng Hiệp Phước có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics trọng điểm phía Nam TPHCM, kết nối với ĐBSCL, cụm cảng Cái Mép, làm hậu phương vững chắc cho hoạt động XNK miền Nam.
Phát triển logistics huyện Nhà Bè lấy cảng biển làm trung tâm
Theo Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, huyện Nhà Bè được quy hoạch khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, đón tàu tải trọng đến 70.000 DWT, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Nam. Có thể thấy, định hướng phát triển cảng biển TPHCM sẽ dịch chuyển luồng hàng hóa ra khỏi khu trung tâm, phát triển cảng hậu phương kết nối ĐBSCL, Cái Mép.
Như vậy, với lợi thế về vị trí địa lý và các quỹ đất quy hoạch quanh cảng, cụm cảng Hiệp Phước có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics trọng điểm phía Nam thành phố, kết nối với ĐBSCL, cụm cảng Cái Mép, làm hậu phương vững chắc cho hoạt động XNK miền Nam; góp phần tạo cơ hội đột phá phát triển kinh tế huyện Nhà Bè. Đây cũng là tầm nhìn của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) trong phát triển tiềm năng huyện Nhà Bè thành “đô thị vệ tinh” dưới góc độ của Doanh nghiệp cảng và logistics hàng đầu Việt Nam.
Cảng Tân Cảng Hiệp Phước (TCHP) – tiềm năng phát triển trung tâm logistics trọng điểm phía Nam TPHCM
Hiện nay, TCHP là cảng duy nhất khai thác tàu hàng container tại khu vực Nhà Bè, với diện tích 17ha, 420m cầu tàu chính trên sông Soài Rạp, 312m bến sà lan trên sông Đồng Điền, khả năng tiếp nhận tàu lên đến 50.000 DWT, năng lực thông qua cảng đạt 650.000 teu/năm; được định vị là “cánh tay nối dài” tốt nhất cho cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hiện nay, ngoài tiếp nhận tàu container, cảng TCHP còn đón và giải phóng tàu tổng hợp, tàu dự án và tàu khách quốc tế. Các lợi thế tối ưu về thời gian và chi phí như:
-Không hạn chế thời gian hạ bãi chờ xuất sớm, chính sách phí lưu bãi container;
– Miễn phí vận chuyển container hàng bằng sà lan qua lại giữa cảng TCHP và cảng Tân Cảng – Cát Lái (TCCL), các ICD liên kết phục vụ xuất, nhập tàu tại cảng TCHP;
-Miễn phí vận chuyển container rỗng bằng sà lan từ cảng TCCL đến TCHP để đóng hàng sau đó xuất tàu tại cảng TCHP;
– Miễn phí vận hành 12 giờ cho container hàng lạnh hạ bãi cảng TCHP xuất tàu tại TCCL,…
Ngoài ra, với 7 cặp phao trên sông Soài Rạp, khả năng đón tàu 30.000 – 40.000 tấn, trang thiết bị và phương tiện hiện đại, cảng TCHP còn khai thác một số tàu hàng rời, hàng xá, dịch vụ hàng tổng hợp cho các mặt hàng: gạo, thủy sản, phân bón, sắt thép, thạch cao, xi măng và hàng thiết bị, điện gió với sản lượng trên 350.000 tấn/năm cho các khách hàng, đối tác lớn.
◊
Với lợi thế nằm gần các kho hàng đông lạnh (khách hàng Lotte, Alpha, Dory, nhà máy Saigon Food…), được đầu tư 260 ổ cắm lạnh, cung cấp đa dạng dịch vụ container lạnh (PTI, đóng ghép hàng lạnh, đóng nguyên container tại bãi), cảng TCHP phát huy tốt lợi thế là điểm thông quan thuận lợi giao nhận container lạnh trực tiếp xuất/ nhập tàu tại TCHP hoặc đối với hàng nhập từ TCCL/cụm cảng Cái Mép (TCIT, TCCT và TCTT) hoặc hàng xuất hạ tại TCHP và chuyển sà lan về TCCL/ cụm cảng TCIT, TCCT và TCTT xuất tàu.
Cảng TCHP đang nhận được sự quan tâm của các hãng tàu lớn như COSCO, TSL, WANHAI, OOCL, ONE khai thác nguồn rỗng lạnh ổn định tại cảng (phục vụ các khách hàng có nhu cầu đóng hàng tại bãi hoặc lấy container về kho đóng hàng); cũng như thu hút nhiều hãng tàu khai thác các tuyến dịch vụ mới, sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành khai thác cảng và dịch vụ hậu cảng tại khu vực.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan: Hải quan CK Cảng Hiệp Phước/TPHCM, Biên phòng, Cảng vụ, Công an, Kiểm dịch, chính quyền địa phương… luôn quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành cùng cảng TCHP hỗ trợ khách hàng, hãng tàu sử dụng dịch vụ tại cảng. Điều này khẳng định chiến lược của TCT TCSG trong phát triển cụm Cảng phía Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy hoạch của TPHCM.
Theo Phạm Linh
(Link: baomoi.com)