Trang chủ Tin tức THỜI SỰ 1/4 các công ty châu Âu đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

1/4 các công ty châu Âu đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

Danh mục: Tin tức, THỜI SỰ

Đây là nội dung vừa được công bố mới đây trong Sách trắng 2022 các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023 của Phòng Thương mại và Công Nghiệp châu Âu (EuroCham) Việt Nam.

Cụ thể, nội dung Sách Trắng EuroCham 2022-2023 trích dẫn kết quả của khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI): 1/4 các công ty nước ngoài (châu Âu) đã chuyển hoạt động của doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của họ vào trong nước. Hơn nữa, 42% công ty nước ngoài sẵn sàng chuyển ít nhất một lượng vốn FDI nhỏ vào Việt Nam vào cuối năm 2022.

“Các công ty nước ngoài xác định việc cắt giảm bộ máy hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI”, EuroCham nhận định.

Theo EuroCham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, cùng với lạm phát vẫn ở mức một con số, đã tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của đất nước. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã liên tục cải cách quy định pháp luật trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo cho hay, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi cho kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Không chỉ vậy, Việt Nam có một số lợi thế bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu thụ nội địa tăng nhanh. Kết quả, Việt Nam đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019 nhưng vẫn là một sự cải thiện đáng kể so với vị trí 82 vào năm 2016.

Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng FDI đáng kể từ khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), chỉ trong hơn ba thập kỷ, FDI đã đạt mức 31,15 tỷ USD vào năm 2021, tăng 9,2% so với mức cao kỷ lục của năm 2020. Vốn giải ngân cũng đạt 19,74 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022, con số đó là 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hơn 1,570 dự án đã được chấp thuận vào năm 2022, với gần một nửa số vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến. Giữ vị trí thứ hai là bất động sản, tiếp đến sản xuất và phân phối điện.

Như đã đề cập trong Sách Trắng EuroCham 2021, để thu hút thêm FDI của EU vào Việt Nam, cứ ba lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu thì có hai người cho rằng điều quan trọng là phải lồng ghép trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào các hoạt động kinh doanh của họ như được nêu chi tiết trong Chương 13 của EVFTA. Hiệp định Thương mại Tự do này quy định Việt Nam cần nỗ lực khuyến khích và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực môi trường, lao động và đưa các tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào pháp luật trong nước cũng như thực thi hiệu quả các yêu cầu này.

Vì vậy, EuroCham rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, trong đó giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành” Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ cũng sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và để cải thiện năng suất lao động.

“Chúng tôi mong muốn được kết nối doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; cũng như để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và bảo hiểm”, Eurocham cho biết.

Giang Anh

Nhịp sống thị trường

Similar Posts

Bài viết liên quan

Central Retail muốn đầu tư chuỗi siêu thị tại Quảng Bình Central Retail muốn đầu tư chuỗi siêu thị tại Quảng Bình

Central Retail đề xuất đầu tư các dự án siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với mong muốn tạo ra sự kết nối nông sản, sản phẩm địa phương; cung cấp các hàng hóa tiêu dùng chất lượng cho người dân địa phương. Chiều ngày 1/11, đại diện Tập đoàn Central Retail tại […]

Loạt chính sách kinh tế mới trong tháng 7/2023 Loạt chính sách kinh tế mới trong tháng 7/2023

Loạt chính sách liên quan đến kinh tế như thay đổi quy định lắp đặt biển báo hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ; Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp; Quy định mới về phí thẩm định dự toán xây dựng; Quy định mới về xác định xuất xứ hàng hóa […]

Bổ sung 8 cụm công nghiệp vào quy hoạch Hà Nội Bổ sung 8 cụm công nghiệp vào quy hoạch Hà Nội

Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện thủ tục bổ sung 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đã […]

Hotline
Zalo