Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2022, lần đầu tiên Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, buộc phải cắt giảm lao động.
Tại buổi công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 ngày 10/1, ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê – nhận định, thị trường lao động quý cuối năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và lao động phi chính thức lại tăng lên.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51 triệu người, tăng gần 240.000 người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%.
◊
Tình hình thất nghiệp có xu hướng tăng lên so với quý trước. Quý cuối năm 2022 có hơn 1,08 triệu người thất nghiệp, tăng gần 25.000 người so với quý trước.
Theo Tổng cục Thống kê, đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại khi nhiều đơn hàng bị cắt giảm vào thời điểm cuối năm, đặc biệt ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử.
Dù vậy, năm 2022 vẫn chứng kiến điểm sáng là thu nhập của người lao động ở hầu hết các ngành có sự tăng trưởng.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất. Thu nhập của lao động ngành này tăng 17,6% (tương ứng 1,1 triệu đồng/tháng). Thu nhập trong các ngành vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú ăn uống; công nghiệp chế biến; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy cũng tăng từ 1 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, cao hơn thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện.